Các giả thuyết về nguyên nhân cho sự thay đổi trong sử dụng ngôn ngữ Ngôn ngữ LGBT

Theo quan niệm truyền thống, cá tính của một người hình thành nên cách họ nói chuyện, tuy nhiên cách tiếp cận hậu hiện đại đảo ngược giả thuyết này, cho rằng cách chúng ta nói chuyện là một phần hình thành nên cá tính, cụ thể bản dạng giới có tính chất biến đổi thay vì cố định.[39] Vào đầu thế kỷ 20, những giả thuyết liên quan đến tính dục về ngôn ngữ đã trở nên phổ biến (ví dụ như Freud và những giả thuyết của ông về phân tâm học). Chúng sử dụng một nền tảng quan điểm khá khác biệt so với những nghiên cứu hiện đại về vấn đề này. Một trong những quan niệm ban đầu đó cho rằng đồng tính luyến ái là một tâm bệnh.[40] Tuy nhiên đến những năm 80, cộng đồng LGBTQ được nhìn nhận nhiều hơn là một nhóm thiểu số bị đàn áp, và các học giả bắt đầu khảo sát khả năng mô tả đặc điểm của việc sử dụng ngôn ngữ bởi người đồng tính theo một cách khác, với một phần do ảnh hưởng bởi những nghiên cứu về tiếng Anh bản địa người Mỹ gốc Phi (African-American Vernacular English). Các quan niệm đã bị thay đổi từ việc cá tính hình thành nên ngôn ngữ, cho tới ngôn ngữ được sử dụng để phản ánh một bản dạng xã hội và thậm chí được sử dụng để tạo nên bản dạng tính dục hoặc bản dạng giới.[16]

Sử dụng ngôn ngữ để hành diễn

Việc có một cách nói chuyện được chia sẻ giữa nhiều người có thể được sử dụng để tạo nên một nhận dạng đơn lẻ, thống nhất mà đổi lại có thể hữu dụng trong tổ chức đấu tranh chính trị.[41] Tính dục là một dạng của bản sắc xã hội, được kiến tạo và hình dung một cách rời rạc. Trong một số trường hợp bản sắc chung này có thể được củng cố thông qua một số hình thức sử dụng ngôn ngữ chung, cũng như là được sử dụng cho các hoạt động tổ chức chính trị. Ngôn ngữ có thể sử dụng để đàm phán mối liên kết và sự mâu thuẫn của bản dạng giới và tính dục, và có thể biểu thị bản dạng thông qua nhiều cách, kể cả khi không có bất kỳ quy tắc cụ thể nào cho cách nói chuyện của người đồng tính.[42]

Người đồng tính nam và đồng tính nữ có thể, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, hình thành nên những cộng đồng ngôn ngữ. Một cộng đồng ngôn ngữ là một cộng đồng trong đó có những nét ngôn ngữ tiêu biểu được thống nhất giữa các thành viên cộng đồng. Ranh giới cộng đồng thường trùng khớp với những đơn vị xã hội. Tư cách thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ thường được giả định dựa trên sự rập khuôn bởi những yếu tố không liên quan đến ngôn ngữ học về cộng đồng.[43] Thành viên có thể hạn chế dùng loại ngôn ngữ có ưu thế về mặt văn hóa và đối kháng uy quyền văn hóa qua việc duy trì sự đa dạng ngôn ngữ riêng của họ.[44]

Tính hành diễn giới (Gender performativity) liên quan tới ngôn ngữ ở chỗ con người có thể điều chỉnh có chủ đích hoặc trong tiềm thức lối ăn nói của mình để tuân theo vai trò giới của họ. Đàn ông thường chọn lối nói có sự phản ánh những tiêu chuẩn mà nền văn hóa đã phân định thuộc về tính nam. Lối nói của người đồng tính nam có thể bị coi là ẻo lả bởi vì người khác nhìn vào sẽ cho là hành diễn ngôn ngữ của họ không hợp với giới tính.

Ví dụ ở phương Tây, người ta nhại theo lối nói đồng tính bằng cách sử dụng những tài nguyên âm thanh mang tính ẻo lả thái quá, ủng hộ quan điểm lối nói đồng tính là nữ tính.[13] Tuy nhiên bởi vì nhiều phân ngành ngôn ngữ được coi là nam tính không xuất hiện bẩm sinh mà là trải qua quá trình học, một số người đồng tính nam nhất định có thể đang sử dụng nhiều phong cách diễn ngôn đa dạng hơn là một người đàn ông ‘nam tính’ điển hình.

Những sự cách điệu này có thể xảy ra được là nhờ tính lặp lại xuyên ngữ cảnh (iterability) của ngôn ngữ, và được dùng để biểu thị những thành phần của bản dạng mà thường không tuân theo hệ nhị phân giới.[13] Ngược lại, người đồng tính nữ đã có sẵn một phạm vi diễn ngôn, tuy nhiên lại ngần ngại sử dụng một phong cách diễn ngôn riêng biệt.[13] Tính nam, và lối nói được gán cho người đàn ông dị tính, bị giới hạn bởi những kì vọng văn hóa để đàn ông tránh xa khỏi sự 'đê tiện' (diễn giải chi tiết trong Gender Trouble);[45] những sự chênh lệch quyền lực giữa các giới có thể dẫn đến người nói sử dụng những phong cách khác nhau để phù hợp với nhận dạng của họ hoặc hành diễn giới tính (gender performances) được kì vọng (ví dụ như những nam thanh niên thường dùng từ ‘fag’ để giữ tôn ti với những nam thanh niên khác, điều này thách thức xu hướng tính dục của họ thông qua hành diễn giới, củng cố thêm sự né tránh với từ ‘đê tiện’ hay nữ tính).[46] Ngôn ngữ ‘nam tính’ được gán với lối nói không nữ tính và bởi vì một số người đồng tính nam có thể không muốn bị liên hệ tới phong cách ngôn ngữ nam tính dị tính trong một số ngữ cảnh, họ có thể tiếp cận những phong cách khác để biểu đạt bản dạng (bởi vì khả năng có hai lựa chọn, ‘nam tính’ hoặc ‘nữ tính’, trở nên không-’nam-tính’ thường bị coi là ‘nữ tính’). Ranh giới giữa ‘nam tính’ và ‘nữ tính’ được duy trì bởi những quy tắc văn hóa và trật tự xã hội đã cấm đoán tính nam mang bất kỳ đặc điểm của tính nữ, sự đê tiện.[45]

Việc sử dụng ngôn ngữ cũng có thể phản ánh những hình thức hay khuôn mẫu nổi trội trong văn hóa.[16][47] Thật vậy, hành diễn bản dạng không mang hiệu quả trừ khi các dấu hiệu đã biểu lộ ra được quy ước từ trước và được xã hội công nhận, đó là lý do vì sao đôi khi các khuôn mẫu vẫn hay được áp dụng.[4] Các thành viên cộng đồng có thể hình thành mối quan hệ của họ với nhóm thông qua sở hữu những cách ăn nói, hành xử và suy nghĩ tương đồng nhau. Những cuộc đàm luận như vậy có thể tái lập hoặc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.[48] Tuy nhiên đôi khi những quy ước ấy có thể không còn được sử dụng một khi chúng được biết đến rộng rãi. Chúng vì vậy không còn là thuộc về riêng ai, như trường hợp của Polari sau khi nó được sử dụng trên BBC.[16]

Trong một ví dụ chi tiết về quá trình hình thành nên cộng đồng ngôn ngữ ở một cộng đồng LGBTQ nhất định, người chuyển giớingười ăn mặc xuyên giới có thể sử dụng từ vựng với chủ ý tách biệt thành viên với người ngoài để thiết lập tình đoàn kết và bản sắc xã hội trong nhóm. Vì nhất là những nhóm như này sẽ có khả năng cao bị đánh giá tiêu cực bởi bên ngoài hơn, sử dụng ngôn ngữ riêng tư có thể giữ tư cách thành viên một bí mật với người khác trong khi đảm bảo mọi người trong nhóm vẫn có thể nhận ra nhau.[47]

Một số thành viên của một cộng đồng có thể sử dụng các biện pháp cách điệu và ngữ dụng (pragmatic) văn phong để biểu thị và phóng đại tính hướng và các bản dạng, nhưng một số người khác có thể cố tình tránh đi lối nói mang tính khuôn mẫu.[47] Giới được biểu thị một cách gián tiếp khá thường xuyên, thông qua những đăc tính được gán với một số bản dạng giới nhất định. Bằng cách này, ví dụ, ăn nói mạnh mẽ được gán với tính nam nhưng cũng gán với sự tự tin và uy quyền[16] Tương tự, văn phong của cộng đồng LGBTQ có một mối quan hệ với cộng đồng thực hành (community of practice) của người nói. Người nói có thể có một mối quan tâm chung, và phản ứng với một tình huống chung, và thông qua giao tiếp thường xuyên họ có thể phát triển các quy tắc văn phong nhất định. Những quy tắc văn phong mới mà người LGBTQ sử dụng trong cộng đồng thực hành của họ có thể được lan truyền thông qua các cơ quan như trường học nơi tập trung rất nhiều giai cấp, chủng tộc và giới khác nhau. Những đặc tính ngôn ngữ cụ thể này có thể được lan truyền thông qua sự sử dụng của những người có liên quan tới bản dạng LGBTQ.[13]

Mục tiêu riêng biệt hóa sử dụng ngôn ngữ của những người đồng tính nam

Mọi người thường có mặt trong nhiều hơn một cộng đồng, tùy họ sẽ có những mong muốn khác nhau về lựa chọn gắn bó thân cận nhất với cộng đồng nào. Đối với một số nam đồng tính, nhóm tự phân loại chủ yếu của họ trùng với danh tính của họ (là một người đồng tính nam). Để đạt được một sự công nhận như vậy, người đồng tính nam có thể nhận diện và bắt chước các dạng ngôn ngữ trong đó các bản sắc xã hội của người đồng tính nam được phản ánh, hoặc được coi là đặc trưng khuôn mẫu của người đồng tính nam.[43] Ví dụ, việc sử dụng các đại từ dành cho phái nữ phân tách người đồng tính nam khỏi các chuẩn mực dị tính và đặt họ trong sự đối lập với tính nam dị tính.[49] Tuy nhiên, lý do sử dụng và tần suất sử dụng các đại từ phái nữ có thể không giống nhau, ví dụ như dùng trong khi đùa cợt, hoặc dùng một cách nghiêm túc hơn để giữ vững và gắn kết các thành viên của một nhóm đồng tính nam với nhau.[50]

Mục tiêu riêng biệt hóa sử dụng ngôn ngữ của những người đồng tính nữ và dị tính nữ

Sự phát triển bản sắc đồng tính có thể khác nhau giữa nam và nữ. Đối với nhiều phụ nữ, bất kể khuynh hướng nào, bản sắc nữ quan trọng hơn bản sắc giới tính. Khi mà những nam đồng tính thường cảm thấy cần phải khẳng định mình chống lại các định chuẩn dị tính nam, thì những nữ đồng tính có thể lo ngại về phân biệt giới tính hơn là về bản dạng đồng tính nữ.[51]

Hầu hết các nghiên cứu về các kết cấu ngôn ngữ nữ đồng tính tập trung vào các mẫu hình hội thoại, như trong Coates và Jordan (1997) và Morrish và Saunton (2007). Dựa trên nhiều bài diễn thuyết khác nhau, đặc biệt là các bài diễn thuyết về nữ quyền, phụ nữ khẳng định mình không phục tùng chế độ phụ quyền dị tính bằng những cuộc thảo luận toàn nữ mang tính cộng tác, thể hiện bằng các lượt lời thay đổi ít rõ ràng hơn và một môi trường trò chuyện hợp tác hơn. Thường thì mối gắn kết qua hội thoại giữa những người phụ nữ sẽ lấn át nhận dạng tính dục của họ.[52] Tuy nhiên, nội dung của diễn ngôn đồng tính nữ có thể tách những người sử dụng nó khỏi định chuẩn dị tính và các giá trị của các nền văn hóa lớn. Diễn ngôn mang tính cộng tác còn bao gồm việc chống lại các chuẩn mực giới tính phổ biến thông qua việc kiến lập sự đoàn kết một cách tinh tế hơn, và không nhất thiết là luôn phải chống lại hành vi ngôn ngữ "đặc trưng về giới".[42]

Một ví dụ về cách dùng ngôn ngữ đặc trưng của phái nữ là giữa những người phụ nữ đi xe mô tô. Dykes on Bikes, một nhóm chủ yếu gồm nữ đồng tính và Ladies of Harley, một nhóm chủ yếu gồm nữ dị tính, đã bộc lộ ra nhiều những trải nghiệm chung. Mặc dù hai nền văn hóa có sự khác nhau, cả hai đều tập trung vào sự gắn kết chị em, xe máy và một ngôn ngữ chung của những tay đua nữ. Ngôn ngữ chung của họ giúp thiết lập bản sắc chung trong một lĩnh vực chủ yếu là nam giới và đánh dấu ranh giới giữa họ và tính nữ truyền thống.[53]

Các phong cách ngôn ngữ biến đổi

Các phong cách ngôn ngữ biến đổi, hay chuyển đổi phong cách ngôn ngữ, có thể chỉ ra được những cá nhân này muốn đặt danh tính nào lên trước như một danh tính chủ yếu trong một khoảng thời gian nhất định. Sự lựa chọn cách sử dụng ngôn ngữ giữa những người đồng tình nam phụ thuộc vào đối tượng nghe và văn cảnh,[51] và sự thay đổi phụ thuộc vào những nhu cầu mang tính tình huống, giả dụ như nhu cầu được thể hiện hoặc che dấu danh tính đồng tính trong một môi trường nhất định. Tương tự như vậy, đồng tính nữ cũng có thể làm nổi bật danh tính đồng tính nữ trong một số hoàn cảnh, và không muốn trong một số hoàn cảnh khác.[42] Podesva đã nói đến một ví dụ về chuyển đổi phong cách ngôn ngữ, đó là khi một luật sư đồng tính được phỏng vấn về sự phân biệt với người đồng tính trên sóng radio, ông đã cân bằng giữa việc thể hiện sự đồng tính ở mức có thể nhận ra, và việc tỏ ra được giáo dục, bởi "ngôn ngữ đồng tính" có xu hướng bị đánh đồng với sự phù phiếm và thiếu giáo dục.[54]

"Khám phá sự chuyển đổi" có thể được sử dụng để nhận định liệu người đối diện có cùng thể hiện một danh tính với người nói. Ví dụ, một người đồng tính nam có thể sử dụng một số từ ngữ và cách cư xử nhất định, được biết đến rộng rãi bởi toàn cộng đồng, như một bài kiểm tra để xem liệu danh tính của họ có được nhân diện bởi người nghe hay không. Điều này cho phép người đồng tính được thể hiện sự đoàn kết với một thành viên của cộng đồng mà trước đó anh ta không quen biết mà không nhất thiết phải tiết lộ xu hướng tính dục của mình cho một người dị tính, và rất có thể là có thái độ thù địch. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán của việc sử dụng ngôn ngữ giữa các nhóm nhỏ của cộng đồng LGBTQ, cùng với đó là sự hiện diện của những người không thuộc cộng đồng nhưng đã quen thuộc với phong cách ngôn ngữ đồng tính, có thể làm quá trình này trở nên không đáng tin cậy.[43]

Mọi người cũng có thể dùng việc chuyển đổi phong cách ngôn ngữ để bình luận về xã hội hoặc để giải trí. Những người biểu diễn drag da màu thường sử dụng cụm mang nghĩa định kiến "bà người Anh da trắng" để phá bỏ những phỏng đoán của xã hội về giới và chủng tộc, và để thể hiện sự chỉ trích đối với những phỏng đoán này. Sự bắt chước không nhất thiết thể hiện cho cách sử dụng ngôn ngữ thực sự của một nhóm, mà thường là khuôn mẫu về ngôn ngữ được biết đến rộng rãi của nhóm đó. Trong ngôn ngữ của những người biểu diễn drag, việc sử dụng ngôn ngữ cũng đồng thời được thể hiện bằng việc đặt những khía cạnh trái ngược ở cạnh nhau, chẳng hạn như những ngôn từ trang trọng lẫn với ngôn ngữ đồi trụy, để bổ sung cho sự phá bỏ những khuôn mẫu về văn hóa và ngôn ngữ một cách có chủ ý của họ.[44]

Các vấn đề trong việc học hỏi về các loại hình ngôn ngữ trong mối tương quan với tính dục và bản dạng giới

Don Kulick đã đưa ra luận điểm rằng nghiên cứu về mối liên kết giữa các loại bản dạng tính dục và ngôn ngữ đang bị loại bỏ, bởi các nghiên cứu đã không thể chỉ ra được rằng ngôn ngữ mà những người đồng tính nam và nữ sử dụng là độc nhất. Kulick cho rằng mặc dù một số nhà nghiên cứu có thể đã có những lý do chính trị để hình dung ra một cộng đồng LGBTQ đoàn kết thành một thể và có thể được nhận ra thông qua các hình thức ngôn ngữ, thì trên thực tế, một cộng đồng ngôn ngữ không nhất thiết phải tồn tại như vậy. Kulick chỉ ra rằng cộng đồng LGBTQ không hoàn toàn giống nhau, và cách sử dụng ngôn ngữ của họ cũng vậy. Những đặc tính của "ngôn ngữ đồng tính" không được sử dụng nhất quán bởi các cá nhân đồng tính, và họ cũng không phải hoàn toàn không dùng tới ngôn ngữ của tất cả những cá nhân dị tính. Hơn nữa, Kulick kịch liệt phản đối những định nghĩa thường mang đậm tính phỏng đoán của ngôn ngữ người queer. Ông cho rằng những hình thái ngôn ngữ không thể được gắn nhãn là ngôn ngữ LGBTQ chỉ đơn giản bởi nó được sử dụng bởi người thuộc cộng đồng LGBTQ.[4]

Các nghiên cứu về một cộng đồng ngôn ngữ đưa ra những phỏng đoán trước về sự tồn tại của một cộng đồng như thế có thể tạo ra những khuôn mẫu không thể khắc họa chính xác thực tế xã hội về sự khác biệt giữa các nhóm trong một cộng đồng và bỏ qua danh tính cá nhân. Hơn nữa, những nghiên cứu về việc sử dụng ngôn ngữ đồng tính nam thường chỉ tập trung vào những người Mỹ gốc Âu trung lưu, những người công khai là chuyển giới và không thuộc những nhóm nhỏ của cộng đồng LGBTQ, và như vậy có thể tạo ra những kết luận mang tính định hướng sai lệch về một cộng đồng toàn thể.[43]

Rusty Barrett đề xuất rằng ý tưởng về một cộng đồng ngôn ngữ đồng nhất có thể được thay thế một cách chính xác hơn bởi một trong những cộng đồng queer dựa trên tinh thần của cộng đồng hoặc một hệ thống văn hóa queer, bởi việc sử dụng ngôn ngữ có sự phân hóa rất lớn.[43] Kulick lại đưa ra đề xuất rằng, thay vì nghiên cứu các cộng đồng ngôn ngữ mà ông đã kết luận là "không hề và không thể tồn tại" bởi những vấn đề về mặt phương pháp luận, các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu về "ngôn ngữ và cảm xúc" thông qua việc nghiên cứu sự ức chế trong văn cảnh ngôn ngữ, cân nhắc cả những điều được nói và những điều không được hay không thể nói.[4] Kulick đã chỉ ra yêu cầu phải cân nhắc về vai trò của tính dục trong danh tính tính dục, khác với một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ LGBTQ đã bỏ qua tính dục để ưu tiên những đặc điểm ngôn ngữ có thể hợp lý hóa xu hướng đồng giới hơn là tính dục.[16]